Ý nghĩa diễn giải Badnjak

Biểu tượng Giáng Sinh. Ở giữa là Đức Mẹ và hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ nơi hang đá. Bên phải là hai mục đồng, một người ngồi và chơi cùng đàn chiên.

Theo giáo hội, nguồn gốc badnjak được giải thích bằng những sự kiện liên quan đến sự Giáng Sinh của Chúa Giêsu. Căn cứ vào Lu-ca 2:1–20, Đức Mẹ Đồng Trinh sinh hài nhi Giêsu tại Bethlehem, quấn khăn và đặt vào trong máng cỏ. Theo truyền thống, máng cỏ nằm trong một hang đá gần Bethlehem. Một thiên thần xuất hiện vào báo cho những mục đồng rằng Đấng Cứu Thế đã ra đời. Đến Bethlehem, các mục đồng thấy hài nhi nằm trong máng cỏ như lời thiên thần báo tin. Dân gian cho rằng các mục đồng đã chặt cây mang vào hang để đốt lửa sưởi ấm cho bà Maria và con trẻ mới sinh. Như vậy, badnjak dùng để kỷ niệm lại sự kiện này.[10][6]

Một trong những lời cầu phúc badnjak do các linh mục đọc, badnjak được coi là biểu tượng thập tự giá của Chúa Giêsu và cũng nhắc nhớ về sự kiện Giáng Sinh. Trong đó, các mục đồng khi đến thờ lạy Chúa đã lấy củi đốt để sưởi, đồng thời loan báo cho nhân loại về khổ hình Ngài chịu trên thập tự.[28]

Các sử gia tôn giáo, ngôn ngữ học và dân tộc học cho rằng phong tục badnjak bắt nguồn từ tôn giáo Slav cổ. Sử gia tôn giáo Serbia Veselin Čajkanović viết rằng trong tín ngưỡng tiền Cơ Đốc của người Serb, có những cái cây là nơi trú ngụ của thần linh hoặc thậm chí chính nó cũng là một vị thần. Điều này thể hiện qua badnjak, khi người ta chào và cầu xin với badnjak, dâng tế lễ lên cho badnjak, một đối tượng có thân vị chứ không chỉ là cái cây đơn thuần.[29]

Badnjak có thể hiện thân cho linh hồn cây cối, người ta dâng lễ để mong đồng ruộng tốt tươi, gia đình được sức khỏe và hạnh phúc. Đốt badnjak tượng trưng cho ánh sáng mặt trời và nhằm cung cấp năng lượng sống ấm áp của mặt trời cho năm mới. Đốt badnjak là sự kết hợp của tục thờ cây cối với tục thờ lửa.[30] Čajkanović coi badnjak tiền Cơ Đốc là một thần linh chết qua lửa thiêu rồi sống lại, giống như Attis, Osiris, Adonis và Sandan. Čajkanović cũng đề xuất rằng hình thánh giá ở phần cuối gốc badnjak có nguồn gốc từ hình tượng tiền Cơ Đốc tương đương như lari trong thần thoại La Mã, hình thập tự giá đã nhân cách hóa thần tượng chứ không phải xuất phát từ Cơ Đốc giáo. Badnjak thường làm từ cây sồi, đây cũng là loài cây thiêng trong tôn giáo Slav cổ, gắn liền với vị thần tối cao Perun.[29]

Tín ngưỡng về linh hồn tổ tiên bảo vệ cho gia đình, cư ngụ nơi bếp lửa hay lò sưởi có ở nhiều dân tộc, trong đó có cả người Slav. Tục thờ lửa được ghi nhận trong tôn giáo Slav cổ được chuyển thành ý niệm tôn thờ vị trí lò sưởi trong nhà, rồi cùng kết hợp với tín ngưỡng thờ tổ tiên. Tục tế lễ cho lửa còn rơi rớt lại qua hình ảnh cậu trai trẻ ném đồng xu vào đống lửa sau khi đập vào badnjak.[30] Lửa lò sưởi này không được truyền cho bất cứ ai trong dịp Giáng Sinh. Theo Čajkanović, tục kiêng kỵ này là tín ngưỡng dân gian cho rằng linh hồn tổ tiên đang đi lại trong nhà. Bữa tối Giáng Sinh thực chất là để mời tổ tiên cùng dự với con cháu. Các linh hồn tổ tiên tụ tập trong nhà nhiều hơn thường ngày, đặc biệt trên đám rơm trải trên sàn hay trên lò sưởi. Nếu ai lấy lửa từ lò sưởi đi, các linh hồn đang ở đó có thể bị cuốn đi và gia đình sẽ mất đi sự bảo hộ của những linh hồn đó.[31]

Người Slav đúc kết lại những nguyên nhân để không cho lửa như "để hạnh phúc không bị lấy ra khỏi nhà", "vì mùa màng tốt hơn", "vì đàn ong". Ý nghĩa "vì đàn ong" được Čajkanović giải thích với bằng chứng trong tôn giáo Serb cổ, ong được coi là loài côn trùng thánh khiết và linh thiêng, linh hồn tổ tiên có thể ngự trong chúng.[31]

Nhà ngữ văn Nga Vladimir Toporov còn cho rằng việc chặt badnjak là sự tái hiện lại trận chiến thần thoại khi mà Božić Trẻ giết cha mình là Badnjak Già.[32] Các ca khúc mừng Giáng Sinh của người Serb có nhắc đến hai nhân vật này.[33] Theo Toporov, Badnjak Già là sự nhân cách hóa của ngày cuối năm thể hiện sức mạnh hỗn mang đạt đỉnh điểm, còn Božić Trẻ nhân cách hóa ngày đầu năm, dựng lên trật tự vũ trụ mới. Rất có thể cả hai đều bắt nguồn từ hai tuyến nhân vật trong thần thoại giết rồng tiền Ấn Âu: rồng và kị sĩ giết rồng.[lower-alpha 5] Nếu giả thuyết này có cơ sở, thì Badnjak Già sẽ có thể đồng nhất với con rồng Ahi Budnja trong Kinh Vệ-đà bị thần Indra giết chết; hay như rồng Python bị thần Apollo giết trong thần thoại Hy Lạp.[lower-alpha 6] Tất cả những từ badnjak, budnja, python đều có nguồn gốc Ấn-Âu *bhudh-, nghĩa là nền tảng, độ sâu, đáy.[32]

Nhà ngữ văn Nga Boris Uspensky lại so sánh hai badnjak già trẻ này với hai cha con Nikola trong truyền thống Đông Slav. Thánh Nikola thành Myra được giáo hội lễ kính vào ngày 6 tháng 12, còn ngày mùng 5 thì được coi là ngày dành riêng cho "cha" của Thánh Nikola. Văn hóa dân gian Đông Sav miêu tả Thánh Nikola là người bảo trợ cho thường dân, nông nghiệp, gia súc; gắn liền với sự giàu có, màu mỡ phì nhiêu và sinh sôi. Uspensky chứng tỏ rằng vị thánh này thừa hưởng các đặc tính của thần rồng Volos vốn được người Đông Slav tôn thờ trước khi tiếp nhận Cơ Đốc giáo. Đối thủ của Volos là thần sét Perun được phản ánh qua nhân vật cha Thánh Nikola.[35]

Nhiều truyền thuyết kể về cuộc đối đầu giữa hai cha con Nikola. Mối liên hệ Badnjak Già-Božić Trẻ với Cha-Con Nikola có thể xem xét qua thực tế ở nhiều vùng Đông Slav, các phong tục Giáng Sinh (Božić) được chuyển hóa từ tục thờ Nikola. Tuy nhiên vẫn có mâu thuẫn khi đối chiếu hai cặp hình mẫu này, đó là ở một hình mẫu, người cha xuất phát từ rồng thần thoại, người con là đối thủ, còn ở hình mẫu kia vị trí đó lại bị tráo đổi ngược lại. Theo Uspensky, sự đảo ngược này thể hiện ở phong tục một số nơi, ngày "cha" Nikola lại sau Ngày Lễ Thánh Nikola, chứ không phải trước như thông thường. Trong ý nghĩa này, "rồng" (Nikola) xuất hiện trước "kẻ giết rồng" (cha của Nikola) giống như Badnjak Già-Božić Trẻ.[35]

Nhà dân tộc họcnhân chủng học Serbia Petar Vlahović cho rằng danh từ badnjak và dạng tính từ badnji bắt nguồn từ động từ bdeti có nghĩa là thức, theo phong tục mọi người phải (thay phiên) thức trong đêm Giáng Sinh.[8] Nhà ngôn ngữ học và triết học Vuk Stefanović Karadžić cũng đề xuất cách giải thích tương tự.[12]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Badnjak http://harrybg.blogspot.com/2007/10/blog-post_13.h... http://www.jat.com/active/sr-cyrillic/home/main_me... //www.worldcat.org/issn/0887-9346 http://www.cultinfo.ru/arts/folk/demo/books/uspens... https://books.google.ba/books?id=Ri4sbTiMKN4C https://books.google.com/books?id=I8ozAQAAMAAJ https://books.google.com/books?id=N_IXHrXIsYkC&pg=... https://books.google.com/books?id=_NcbAAAAMAAJ https://books.google.com/books?id=hrQDAAAAYAAJ https://books.google.com/books?id=hrQDAAAAYAAJ&pg=...